CHỢ PHIÊN BẮC HÀ

   Bắc Hà - miền đất của sương sớm mù giăng, của thơm nồng men rượu ngô lúy túy, của bạt ngàn trắng muốt sắc mận tam hoa, của những chợ phiên khi chưa xa đã nhớ… xứ sở non cao điểm tô những nét quyến rũ đến kỳ lạ ấy là Bắc Hà, một điểm đến lạ quen – quen lạ trong sổ tay kẻ lữ hành miền xuôi.

Vòng cung Đông – Tây Bắc luôn là một hành trình hấp dẫn không chỉ bởi những thử thách từ cung đường núi “lật bánh tráng – đổ bánh xèo” ở tứ đại đỉnh đèo, để rồi thăng hoa với cảm giác chinh phục, mà ở các mùa trong năm, mỗi thời khắc lại định hình nên những cung khám phá mới như rong ruổi theo mùa hoa tam giác mạch, theo dấu trà cổ thụ, lên miền cao nguyên đá (Đồng Văn – Hà Giang, Tủa Chùa – Điện Biên), đi dọc Hoàng Liên Sơn… Còn với những hành trình ngắn ngày, nếu chọn khởi hành dịp cuối tuần, cung đường Bắc Hà – Si Ma Cai sẽ là một trong những điểm đến để có thể chạm vào những nét duyên khác lạ của miền non cao sơn cước xa xôi.

Phiên chợ lớn thường họp vào cuối tuần ở Bắc Hà là điểm hẹn văn hóa thú vị của du khách trong và ngoài nước khi ghé thăm tỉnh Lào Cai.


   Chợ văn hoá Bắc Hà được họp vào chủ nhật hàng tuần tại trung tâm thị trấn Bắc Hà, huyện Bắc Hà, tỉnh Lào Cai, cách thành phố Lào Cai khoảng 60 km. Phiên chợ này nổi tiếng và có quy mô lớn nhất khu vực vùng cao biên giới.

   Tôi biết đến chợ phiên Bắc Hà qua lời giới thiệu của một người bạn sinh sống tại đây. Mỗi dịp cuối tuần rảnh rỗi, tôi lại bắt xe ngược lên vùng núi Tây Bắc, trải nghiệm cuộc sống đơn sơ, mộc mạc của con người Bắc Hà và không quên ghi lại những nét đẹp văn hóa hấp dẫn của miền đất này qua những bức ảnh.

   Đến với chợ phiên Bắc Hà thì bạn sẽ cảm thấy sự nhộn nhịp, đầy màu sắc, đậm chất vùng cao. Chợ Bắc Hà tập trung nhiều dân tộc khác nhau tới mua bán, trao đổi hàng hóa, tạo nên sự đa dạng đậm đà bản sắc. Những thương lái vùng cao, các bà, các mẹ, các chị đi chợ trong trang phục dân tộc thổ cẩm nhiều màu, làm nên nét độc đáo cho phiên chợ.

Góc bán đồ nông sản của người Hmông Hoa
   Đến với chợ Bắc Hà thì bạn đừng quên mua xôi 7 màu từ những bà cụ bán xôi, xôi được nấu bằng nếp nương voái đủ các sắc màu, chắc chắn rằng bạn sẽ rất thích và khi rời khỏi nơi đây chắc chắn rằng bạn sẽ nhớ những món xôi này. Người bản địa ở đây rất thân thiện nên bạn sẽ thoải mái truyện trò hay chụp những bức hình làm kỉ niệm nhé.

   Tới Bắc Hà, tham dự chợ phiên phải đến lúc sáng sớm. Bạn sẽ bị cuốn hút bởi quang cảnh bình dị nơi đây khi ánh nắng ban mai chiếu nhẹ những bộ trang phục của người dân hay những hàng hóa vùng cao đầy màu sắc sặc sỡ.

   Mỗi gian hàng ở chợ phiên có một điểm thú vị riêng. Rất nhiều các mặt hàng truyền thống từ động vật tới đồ vật được bày bán. Trong những lần tới chợ phiên Bắc Hà, tôi đặc biệt ấn tượng với chợ ngựa. Những con ngựa được bày bán như một phương tiện vận chuyển, đi lại của những dân tộc thiểu số vùng cao.

   Chợ khuyển là một trong những địa điểm tấp nập nhất chợ phiên Bắc Hà. Những chú chó miền núi nhiều màu sắc, tinh nghịch nằm chờ chủ mới đón. Tôi cũng nhanh tay đón 1 bạn về Hà Nội để làm bạn.

   Khách du lịch ghé thăm chợ Bắc Hà chắc chắn không thể ngó lơ những gian hàng lưu niệm nhiều màu sắc. Khi ra về, trên tay vị khách nào cũng đem theo một vài món quà nhỏ làm kỷ niệm về chuyến đi trải nghiệm văn hóa miền núi Tây Bắc.
   Du khách nước ngoài đặc biệt yêu thích những hình nộm búp bê mặc trang phục dân tộc.
Những gian hàng thổ cẩm bày bán đủ loại quần áo là sản phẩm thủ công do các bà các mẹ tự tay dệt. Du khách có thể mua một trang phục dân tộc và mặc chụp ảnh lưu niệm hoặc mua những chiếc khăn, chăn dệt nhiều màu sắc làm quà tặng.

   Trang sức bạc như vòng cổ, vòng tay, khuyên tai là những món đồ không thể thiếu trong trang phục truyền thống của nhiều dân tộc thiểu số sinh sống ở Lào Cai. Những món đồ bằng bạc này đều được làm thủ công.
   Những đứa trẻ dân tộc theo mẹ lên chợ bán hàng là hình ảnh thường thấy ở chợ phiên Bắc Hà.

   Mặc dù là một khu chợ văn hóa, phiên chợ vẫn diễn ra những hoạt động thường nhật của người dân địa phương.

   Phiên chợ lớn nhất Lào Cai hấp dẫn nhiều du khách quốc tế tới tham quan, trải nghiệm. Trong cảm nhận của tôi, chợ phiên Bắc Hà luôn duyên dáng với sự nhộn nhịp, bình dị, màu sắc và đậm chất Tây Bắc.
   Đến với Bắc Hà bạn đừng quên ghé qua Dinh vua Mèo

   Rời bến xe trung tâm ngay chợ Bắc Hà sau một đêm lắc lư từ Hà Nội, màn sương dày đặc sớm mơ ở Bắc Hà quyện theo những bước chân, đồng hành cùng tôi đến khu dinh thự bề thế của Hoàng A Tưởng – “vua Mèo” của miền cao nguyên trắng.

   Ở khắp vùng Đông – Tây Bắc, có hai ông “vua Mèo” nổi danh là Vương Chí Sình (Hà Giang) và Hoàng A Tưởng (Bắc Hà), cả hai đều có những dinh cơ bề thế, hoành tráng, nhưng trong giới lữ hành khám phá, dinh thự vị vua họ Vương ở thung lũng Sà Phìn quen thuộc hơn.
   Tọa lạc trên cung đường từ Bắc Hà vào Si Ma Cai, dinh thự Hoàng A Tưởng dễ khiến lữ khách bất ngờ ngay khi nhìn thấy nó, bởi thật khó để hình dung ở một nơi xa xôi lại xuất hiện công trình kiến trúc mang phong cách đậm dấu ấn Tây Âu, với độ bề thế vào bậc nhất toàn vùng Đông – Tây Bắc đến vậy.

   Được mệnh danh là “vua Mèo” (vua của người Hmông) nhưng Hoàng A Tưởng là người Tày, hậu duệ của Hoàng Sín Dần – một tộc trưởng giàu mạnh đã định cư ở Bắc Hà từ hơn 200 năm trước. Với lợi thế về gia tộc, Hoàng A Tưởng cùng gia đình sở hữu những đồn điền thuốc phiện rộng lớn, độc quyền giao thương các mặt hàng nhu yếu phẩm, cùng sản vật địa phương với Pháp và sống trong vùng cư dân chiếm đến hơn 80% là người Hmông nên được xem là “vua” một cõi ở Bắc Hà.

   Để phô trương thanh thế gia phong, vua Mèo Hoàng A Tưởng đã tạo nên công trình kiến trúc đặc biệt, ông thuê 2 kiến trúc sư Pháp và Trung Quốc thiết kế bản vẽ và giám sát thi công. Dinh thự là sự kết hợp giữa thuật phong thuỷ Á Đông trong cách chọn vị trí xây dựng và kiến trúc Tây Âu kiểu thuộc địa trong các chi tiết trang trí.

   Công trình xây dựng năm 1914 và hoàn thiện 1921 với tổng thể rộng đến 10.000 mét vuông. So với các công trình bề thế khác của người miền cao thường sử dụng chất liệu gỗ là chủ đạo, dựng nhà sàn, riêng dinh thự Hoàng A Tưởng được thiết kế hoàn toàn bằng các vật liệu bền vững như xi măng, sắt thép… mang các công năng phục vụ cho nhu cầu sinh hoạt, ăn ở của Hoàng A Tưởng, gia đình và đội quân bảo vệ, để lại cho cả miền cao Tây Bắc hôm nay một di sản kiến trúc đáng để tìm hiểu và khám phá.


                                                    TRAVEL BY PICKUP

 ĐỒNG HÀNH CÙNG BẠN TRÊN NHỮNG CHUYẾN ĐI 

HOTLINE: 0967 41 79 79

Gmail: travelbypickup@gmail.com

Nhận xét